Tiêu chảy là hiện tượng đi ngoài phân lỏng bất thường (toàn nước) ≥ 3 lần/24 giờ. Đây là 1 dạng rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ em với nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy trẻ bị tiêu chảy có nên tiếp tục uống sữa hay không? Đây vẫn là băn khoăn thường gặp của các mẹ khi con gặp vấn đề này.
Trẻ bị tiêu chảy uống loại sữa nào?
Sữa là nguồn dinh dưỡng cung cấp nhiều dưỡng chất tốt cho trẻ. Tuy nhiên khi trẻ bị tiêu chảy, mẹ nên cho trẻ uống loại sữa nào?
1. Trẻ bị tiêu chảy uống sữa công thức
Trước khi cho trẻ uống sữa công thức, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn cụ thể dựa trên tình trạng sức khỏe của trẻ và lý do gây tiêu chảy. Sữa dành cho trẻ cần phải đúng với lứa tuổi. Khi pha sữa, mẹ nên chú ý tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về lượng sữa cần cho trẻ. Sau khi cho trẻ uống sữa công thức, mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ để phát hiện sớm các bất thường nếu có. Nếu tiêu chảy trở nặng hơn hoặc không cải thiện sau một thời gian, nên liên hệ với bác sĩ để kiểm tra và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.
2. Trẻ bị tiêu chảy uống sữa tươi
Đối với trẻ bị tiêu chảy có biểu hiện không dung nạp lactose, trẻ không nên uống sữa tươi bởi đây là một loại sữa có hàm lượng lactose cao. Thay vào đó, bố mẹ nên cho trẻ sử dụng sữa công thức hoặc sữa đặc biệt được khuyến nghị bởi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Những loại sữa này thường đã được cắt giảm lactose hoặc có thành phần dễ tiêu hóa hơn, giúp cung cấp dinh dưỡng và duy trì sự cân bằng nước cần thiết cho trẻ trong quá trình phục hồi khỏi tiêu chảy.
3. Trẻ bị tiêu chảy ăn váng sữa
Váng sữa thường chứa nhiều chất béo và đường, có thể làm tăng khả năng kích thích ruột và gây khó tiêu hóa. Do đó, trẻ bị tiêu chảy nên hạn chế ăn váng sữa. Thay vì cho trẻ ăn váng sữa, mẹ nên tập trung vào việc cung cấp các loại thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo lúa mạch, cháo gạo, hoặc các loại thực phẩm giúp giảm tiêu chảy như chuối chín, táo hấp, hay nước ép cà rốt. Nếu muốn cho trẻ ăn sữa, mẹ nên sử dụng sữa công thức hoặc theo sự chỉ định của bác sĩ.
4. Trẻ bị tiêu chảy ăn sữa chua
Trẻ bị tiêu chảy có thể ăn sữa chua nhưng bố mẹ cần lựa chọn loại sữa chua phù hợp. Sữa chua chứa các chủng vi khuẩn có lợi như Lactobacillus Acidophilus và Bifidobacterium, có thể giúp cân bằng vi khuẩn đường ruột và hỗ trợ quá trình phục hồi sau tiêu chảy. Tuy nhiên, trẻ nên ăn sữa chua tự nhiên không đường hoặc ít đường, để tránh kích thích tăng sinh vi khuẩn gây tình trạng tiêu chảy. Ngoài ra, nếu trẻ có dấu hiệu dị ứng đạm sữa bò hoặc không dung nạp lactose, bố mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ ăn sữa chua.
5. Trẻ bị tiêu chảy uống sữa đậu nành
Sữa đậu nành được xem là một lựa chọn thay thế cho sữa bò khi trẻ bị tiêu chảy bởi nó không chứa lactose nên không gây kích thích ruột, phù hợp với cả trẻ không dung nạp lactose. Ngoài ra, sữa đậu nành cũng chứa chất xơ và protein thực vật, giúp cung cấp dinh dưỡng và hỗ trợ quá trình phục hồi sau tiêu chảy. Tuy nhiên, trước khi cho trẻ uống sữa đậu nành, bố mẹ vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ.
Dinh dưỡng khi trẻ bị tiêu chảy
1. Với trẻ đang bú mẹ: Tiếp tục cho trẻ ăn bú.
Trong 4 giờ đầu còn mất nước, không nên cho ăn, vẫn tiếp tục bú mẹ.
Trẻ bú mẹ nên tiếp tục cho bú ngay cả khi đang tiêu chảy. Nếu trẻ không thể bú, có thể đút muỗng chậm cho bé.
Sau 4 giờ, nếu trẻ còn mất nước, tiếp tục cho uống Oresol và cho ăn mỗi 3 – 4 giờ.
2. Với trẻ trên 6 tháng
Đối với trẻ > 6 tháng, nên cho trẻ bú lại.
Nếu trẻ ngưng bú trước đó, cho trẻ bú mẹ lại hoặc có thể sử dụng sữa khác thay thế.
Với trẻ > 6 tháng hay đã ăn dặm nên cho trẻ ăn bột, cháo xay đã nấu chín. Chế độ ăn được khuyến cáo như sau:
- Bột ngũ cốc hay bột ăn dặm, cháo nên bao gồm thịt, cá, rau và thêm 1 – 2 muỗng cafe dầu thực vật khi cho bé ăn.
- Bổ sung thêm các thực phẩm cần thiết tùy theo vùng theo IMCI.
- Nên dùng thêm nước trái cây hay chuối để bổ sung thêm kali.
Cho trẻ ăn ít nhất 6 bữa/ngày. Tiếp tục như vậy sau khi hết tiêu lỏng, và bắt đầu tăng thêm số bữa ăn sau 2 tuần.
- Bổ sung men vi sinh cho bé: các chủng men sau đã được chứng minh rút ngắn thời gian tiêu chảy và thời gian nhập viện: Lactobacilli reuteri , Lactobacilli rhamnosus GG , Saccharomyces boulardii, Bifidobactium bifidum và Streptococcus thermophilus.
- Bổ sung kẽm cho bé.